Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chế biến gỗ - ngành kinh tế mũi nhọn?



10 năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến tăng khoảng 15 lần, từ 219 triệu USD năm 2000 lên 3,9 tỷ USD năm 2011 và hướng đến trên 4 tỷ USD năm 2012. Cùng với cá tra, ngành chế biến gỗ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 6 thế giới, số 2 châu Á (sau Trung Quốc) và số 1 Đông Nam Á. Điều đáng nói, tiềm lực ngành này còn rất mạnh để có thể tiếp tục tiến xa hơn vị trí hiện nay. 

  • Nguyên liệu trong nước thay dần nhập khẩu
Trong 96,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến của 70 nước trên thế giới, với kim ngạch đạt được khoảng 4 tỷ USD, ngành gỗ của Việt Nam mới chiếm 2,6%. Với tiềm lực này, nếu có chính sách, biện pháp phù hợp, kịp thời với chiến lược đúng đắn, ngành chế biến gỗ có thể đạt con số 15-20 tỷ USD trong hơn 1-2 thập niên tới. Đó là nhận định mà ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) phát biểu tại hội thảo mới đây về xuất khẩu gỗ chế biến thời suy thoái. 

Gỗ tần bì xẻ sấy nhập khẩu từ Mỹ
 
Nhưng để chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thật sự cần phải có một số điều kiện. Đó là phải tự chủ nguồn nguyên liệu, đây có thể nói là yếu điểm của ngành chế biến gỗ so với con cá tra. Bởi phần lớn gỗ nguyên liệu phải nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD. Gỗ nguyên liệu chiếm khoảng 30%-50% giá trị sản phẩm. Vì vậy, nếu lệ thuộc vào việc nhập khẩu thì không thể nói là có thể phát triển căn cơ. Những nước bán gỗ nguyên liệu cho Việt Nam có xu hướng tăng giá bán qua từng năm, các nước nhập khẩu lại đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật như Đạo luật Lacey của Mỹ hay của các nước EU về việc đảm bảo tính minh bạch nguồn gốc gỗ làm chi phí đầu vào tăng lên, trong khi nhà nhập khẩu lại khống chế đầu ra. 

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, rừng là tài nguyên thiên nhiên tái sinh hàng năm nhờ sự phát triển sinh khối cây rừng. Ngành chế biến gỗ sẽ có bước phát triển bền vững khi Bộ NN-PTNT có bước đi đồng bộ trồng rừng và cấp chứng chỉ về rừng. Có như vậy mới vừa phát triển chế biến vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc và là nguồn sinh kế ổn định của người trồng rừng. Có thể nói, việc chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết, 10 năm trước, Việt Nam khai thác không tới 400.000m³ gỗ/năm, nhưng năm 2011, trong số 13 triệu m³ gỗ sử dụng, lượng nguyên liệu trong nước lên đến 11 triệu m³, bao gồm rừng trồng tập trung 6 triệu m3, gỗ cao su hơn 2 triệu m³ và gỗ cây từ phân tán khoảng 3 triệu m³. Ông Hà Công Tuấn khẳng định, con số 22 triệu m³ gỗ nguyên liệu trong nước để cung ứng cho nhu cầu chế biến gỗ vào năm 2020 là điều trong tầm tay, có thể thực hiện được. Với 800.000ha cao su, chu kỳ khai thác 25 năm, năm 2020 chỉ riêng cao su có thể khai thác 5-6 triệu m³ gỗ cao su nguyên liệu. Với 2,3 triệu ha rừng trồng, năm 2020 cung cấp 15-16 triệu m³. Chưa kể lượng gỗ phân tán cung cấp hàng chục triệu mét khối. Như vậy, rừng tự nhiên chỉ khai thác hạn chế cho chế biến gỗ ngành thủ công mỹ nghệ. 

  • Cần ngành công nghiệp hỗ trợ
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Hawa cho rằng, ngành chế biến gỗ hoàn toàn có thể trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nếu biết cách khai thác. Điều ông Thắng muốn nói ở đây chính là khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tính cạnh tranh với những nước khác. Trung Quốc chuyển ngành này vào sâu nội địa, đẩy chi phí lên cao. Malaysia ngày càng khan hiếm lao động nên giá lao động tăng lên 13 USD/lao động/ngày so với 6 USD/lao động ở VN, Trung Quốc là 10 USD/lao động/ngày. Tuy nhiên, nếu là ngành kinh tế mũi nhọn phải là ngành kinh tế đầu tàu, tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề khác cũng phát triển. Khi chế biến gỗ phát triển cần có nguyên liệu ngày càng nhiều từ rừng trồng trong nước, từ ván nhân tạo và cần những phụ liệu trong quá trình sản xuất như sắt, bao bì (chiếm khoảng 15%-20% giá thành sản phẩm). 

Phát triển ngành gỗ chế biến cũng chính là điều kiện để giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như công nghiệp chế tạo máy móc do nhu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Hiện nay, thiết bị này chủ yếu nhập khẩu. Hơn 10 năm trước, Trung Quốc nhập khẩu hầu hết các dây chuyền chế biến gỗ, hiện nay, công nghiệp chế tạo máy trong nước phát triển thay thế việc nhập khẩu, qua đó, tạo thêm việc làm người lao động. Nếu 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tạo ra khoảng 1 triệu việc làm thì ngành công nghiệp phụ trợ phát triển con số này có thể lên 2 triệu việc làm…

Rất tiếc, danh mục những ngành kinh tế mũi nhọn mà nhà nước nhận định để tạo điều kiện cho ngành này phát triển chưa có ngành chế biến gỗ. Vì vậy, Hawa đề nghị Bộ NN-PTNT và các bộ ngành khác xem xét để có thể bổ sung ngành gỗ vào danh mục. Đó sẽ là chất kích thích để doanh nghiệp chế biến gỗ mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, thiết bị sao cho phù hợp và chớp lấy thời cơ, khi những nước có thể mạnh về chế biến gỗ ở châu Âu như Đức, Ý, Pháp… đang bị thua lỗ, phải đóng cửa và rao bán nhà máy với thiết bị và công nghệ tiên tiến hiện nay. Cơ hội để tái cấu trúc lại dây chuyền và thiết bị nhà máy vốn đã khá cũ và lạc hậu.


5 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn! Bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
    -----------Tony Trần---------
    Bán máy cưa tốt nhất tại TpHCM

    Trả lờiXóa
  3. Ngành chế biến gỗ, ngành kinh tế mũi nhọn đang có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai!
    ..Cấn Hà..
    Nhà cung cấp máy chế biến gỗ đã qua sử dụng uy tín tốt nhất tại TpHCM

    Trả lờiXóa
  4. chế biến gỗ là ngành mũi nhon kinh tế
    ………….maychebiengogiatotnhattaitphcm…………
    Máy chế biến gỗ giá tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa
  5. Thông tin bạn chia sẻ rất hay và hữu ích
    .........maycn............
    Máy chế biến gỗ công nghiệp giá tốt tại tphcm

    Trả lờiXóa